Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, trong vài thập niên tới, Việt Nam sẽ phát triển kinh tế mạnh mẽ, đóng vai trò lớn trong nền kinh tế thế giới.
Sáng nay 6-10, Sở ngoại vụ TP.HCM và Trường Đại học Hoa Sen phối hợp tổ chức buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ, với chủ đề: “Kinh tế tri thức – Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”
Tại buổi nói chuyện này, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, trong vòng 20-30 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Động lực chính cho sự phát triển này đến từ sự đổi mới không ngừng và tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có một cộng đồng những nhà lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng tạo ra những đột phá mới.
“Thế giới đang chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh, nơi sự kết hợp của các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ cách mạng hóa cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp.
Trong thời đại thông minh, công nghệ cung cấp cho chúng ta những công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, chúng ta cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, hiểu biết sâu sắc về hệ thống và có khả năng biến những ý tưởng sáng tạo thành hành động cụ thể.
Sự lãnh đạo hiệu quả sẽ là yếu tố quyết định giúp chúng ta định hướng và giải quyết các thách thức phức tạp của thời đại” – ông Klaus Schwab nhận định.
Phát biểu tại buổi nói chuyện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia cũng như địa phương phải luôn không ngừng phát triển, hợp tác và tịnh tiến với xu thế toàn cầu.
TP.HCM đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã và đang tích cực chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và phát triển bền vững.
“Việc dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức đòi hỏi một quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, thực hiện đột phá 3 trụ cột chiến lược về kết cấu hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, được triển khai không chỉ đồng thời mà còn phải hài hoà, hợp lý.
Trong đó, trụ cột về nguồn lực con người sẽ là mục tiêu và động lực chính để thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế tri thức.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, chúng ta cần có giải pháp đột phá trong giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế thành phố.
Chúng ta cần một thế hệ trẻ không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới” – ông Phan Văn Mãi nói.
Nguồn: Phương Minh, Báo Pháp Luật TPHCM.