Chuyển đổi số và lợi ích đối với doanh nghiệp Việt Nam
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây…, nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số là để hướng tới sự phát triển toàn diện, như: Tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng…
Ông Vương Đình Vũ – Giám đốc BuyMed phát biểu tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng 5/6 |
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất. Điều này giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra, giúp sự vận hành không bị tắc nghẽn, tránh được các tác động xấu có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, như: Phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán bị giảm sút… Đồng thời, sự liên kết thông tin còn giúp người điều hành có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: Ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên. Bởi, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời.
Khi sở hữu nền tảng số hóa, nhà quản trị doanh nghiệp có thể triển khai và vận hành hoạt động doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng, bởi các giải pháp quản trị và vận hành số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng…
Như vậy, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành và có tác động to lớn đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề. Theo đó, việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển.
Kinh nghiệm chuyển đổi số từ BuyMed trong ngành dược phẩm
Phát triển trong quá trình chuyển đổi số, BuyMed là công ty khởi nghiệp điều hành trang thương mại điện tử Thuocsi.vn, phân phối dược phẩm trực tiếp theo mô hình B2B. Công ty tập trung cung cấp các sản phẩm y tế, thuốc và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Tham vọng của BuyMed là tạo ra một cuộc cách mạng để làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Á có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận.
Có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số, cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số. Dù BuyMed đã làm việc với hơn 2.000 công ty dược phẩm và các nhà bán hàng uy tín với hơn 35.000 sản phẩm, nhưng khi đối mặt với rào cản thị trường, thì việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thuốc giả và quảng bá mức giá trị của sản phẩm đã khiến cho các doanh nghiệp cung ứng dược phẩm bị sụt giảm doanh thu.
Nhân tố chính sách và tiếp cận chính sách cũng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo. Do không tiếp cận chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nên khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng 5/6, ông Vương Đình Vũ – Giám đốc BuyMed, doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng số để giải quyết triệt để vấn đề phân mảng. Trong quá trình vận hành, các vấn đề nảy sinh được giám sát và xử lý bằng những sáng tạo khắc phục vấn đề một cách nhanh chóng để chuyển biến kết quả theo hướng tích cực nhất. Việc sáng tạo có thể ngay từ việc thay đổi bao bì sản phẩm theo hướng tuần hoàn, đến dán tem trên sản phẩm để giám sát quy trình vận chuyển…
Với tư cách là thành viên của Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, ông Vương Đình Vũ mong muốn các cơ quan, ban, ngành có thể tạo ra những tiêu chuẩn ngành để làm căn cứ cho việc thực hiện đồng bộ, góp phần minh bạch sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ chế quản lý cần hướng đến tạo lập tính đồng bộ tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực./.