Tin tức

Toàn bộ tin tức của chúng tôi mà bạn cần đều ở đây

Trật tự kinh tế thế giới có gì mới?

(KTSG Online) – Giới phân tích và các định chế kinh tế toàn cầu nhận định, trật tự kinh tế thế giới sẽ được duy trì trong vài thập niên tới với hai vị trí đầu của Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell cho rằng nền kinh tế Trung Quốc “quá mong manh ở nhiều mặt”, khả năng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sớm vượt Mỹ ngày càng giảm dần. Ảnh: Reuters

Các vị trí kế tiếp có nhiều xáo trộn khi Nhật Bản tụt xuống hạng tư, đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cho nước Đức trong năm 2023. Trong khi đó, Ấn Độ từ hạng năm sẽ sớm vượt qua Nhật Bản và Đức trong giai đoạn 2026-2027 hoặc chậm hơn vài năm.

Khả năng Trung Quốc sớm vượt Mỹ đang giảm dần

Mỹ dường như sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong khi Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng suy thoái. Điều này khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi theo hai quỹ đạo trái ngược nhau, trong khi cả hai cố gắng định hình trật tự toàn cầu.

“Dự báo rằng một ngày nào đó, GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ đang giảm dần”, giáo sư của Đại học Cornell, Eswar Prasad, người từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách vấn đề Trung Quốc nói với Nikkei Asia.

Tuy nhiên, Prasad cho rằng, nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và đối đầu địa chính trị sẽ leo thang. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ mang lại cho Bắc Kinh cơ hội gia tăng sức ảnh hưởng.

Theo ông, Mỹ đang củng cố vị thế là động lực của nền kinh tế toàn cầu trong lúc hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới đang khó khăn. Chính sách tài khóa và hệ thống tài chính của chính phủ đã giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua những thời điểm rất khó khăn trong Covid-19 và khi lạm phát tăng. Tăng trưởng GDP của Mỹ không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhưng sự trì trệ của các nền kinh tế xuất khẩu có thể là lực cản.

Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn, gồm sinh suất thấp, dân số lão hóa; thị trường bất động sản suy sụp; tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước xấu đi cùng  tình trạng thiếu vắng mô hình tăng trưởng mới. Trung Quốc khó duy trì tốc độ tăng trưởng 4-5% trong vài năm tới.

Cuối năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) đánh giá, GDP danh nghĩa của Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ trong vài thập niên tới. JCER cũng rút lại dự đoán năm 2021 trước đó là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thay đổi trật tự hay vị trí cho nhau vào năm 2033.

Sự tụt hạng lần này của nền kinh tế lần này không gây sốc công chúng Nhật Bản như năm 2010 khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: AFP

Hai nền kinh tế già “cùng chung số phận”?

Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 10-2023 cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản tính theo đồng đô la đã suy giảm, còn khoảng 4.200 tỉ đô la trong năm 2023 từ mức 6.300 tỉ đô la năm 2012. Phần lớn là do đồng yen lao dốc từ mức dưới 80 yen đổi 1 đô la lên khoảng 141 yen trong năm 2023. Tính theo đồng yen danh nghĩa, nền kinh tế có thể đã tăng trưởng hơn 12% trong khoảng thời gian đó.

IMF chỉ ra điểm chung của hai nền kinh tế già của châu Á và châu Âu là dân số già đi, khan hiếm tài nguyên và phụ thuộc vào xuất khẩu, công nghiệp xe hơi. Tuy nhiên, Nhật Bản có tốc độ lão hóa dân số nhanh hơn và giảm đều đặn từ năm 2010 nên tình trạng thiếu hụt lao động cũng trầm trọng hơn.

Các số liệu tăng trưởng mới của Nhật Bản đang được đánh giá lại nhằm chính thức xác nhận việc tụt hạng của Nhật Bản trong năm 2023 do tác động của đồng yen yếu và dân số già đi. Các số liệu trong năm mới gần như cho thấy, giá trị GDP của Nhật Bản thấp hơn Đức tính theo đồng đô la Mỹ.

Năm 2010, Nhật Bản đã nhường vị trí thứ hai cho Trung Quốc. Sự tụt hạng mới nhất sẽ đặt nhiều dấu hỏi về quỹ đạo kinh tế của Nhật Bản trong thời gian tới.

Nhà kinh tế Hideo Kumano thuộc Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life cho rằng, yếu tố chính khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm là do biến động tiền tệ. “Nhật Bản giá rẻ đang làm cho nền kinh tế Nhật Bản trở nên nhỏ hơn. Nhật Bản đã trở thành kẻ thua cuộc đơn độc, tụt xuống dưới Đức, quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế”, ông nói.

Các yếu tố khác là tình trạng yếu kém của nền kinh tế Đức và những dấu hiệu hồi sinh mới của kinh tế Nhật Bản. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán tăng vọt và ngân hàng trung ương sẵn sàng tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007. Các số liệu chính thức công bố ngày 15-2 tới sẽ là tín hiệu xanh để Ngân hàng Nhật Bản hành động.

“Thập niên vinh quang của Ấn Độ”

Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để đứng đầu thế giới về dân số vào năm 2023. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo “đây là khởi điểm cho thập niên của Ấn Độ”.

Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với quy mô GDP 3.700 tỉ đô la. IMF đưa ra giả thuyết là Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026 và Đức vào năm 2027. Bộ Tài chính Ấn Độ “khiêm tốn hơn” với dự báo thời điểm vinh quang sẽ là năm 2028 với quy mô nền kinh tế là 5.000 tỉ đô la, sau đó tăng lên 7.000 tỉ năm 2030. S&P Global thì cho rằng, cột mốc này là vào năm 2030.

Tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự kiến đạt trung bình hơn 6% mỗi năm cho đến năm 2028, thuộc hàng cao nhất ở châu Á. Tuy nhiên, nội các chính phủ của Thủ tướng Nadrenra Modi tin rằng Ấn Độ có thể tự tin duy tăng tốc và duy trì tỷ lệ trên 7% trong thời gian dài nhờ lĩnh vực tài chính mạnh và các cải cách gần đây.

Với hơn 2/3 dân số trong độ tuổi lao động 15-64, nước này được kỳ vọng sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều nền kinh tế mạnh khác đang vật lộn với đà suy giảm dân số và lão hóa nhanh chóng.

Nhà kinh tế Santanu Sengupta thuộc Goldman Sachs Research tại Ấn Độ viết trong một báo cáo: “Nhân khẩu học thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng trong tương lai. Dân số lớn rõ ràng là một cơ hội. Tuy nhiên, thách thức của Ấn Độ là sử dụng lực lượng lao động một cách hiệu quả bằng cách tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động”.

Đây cũng sẽ là thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới, với tỷ lệ trung lưu gia tăng nhanh chóng. Ấn Độ có thể giành được nhiều lợi thế hơn nữa trước Trung Quốc nếu bãi bỏ nhiều quy định rườm rà, giảm thuế để thu hút thêm đầu tư khi các công ty tìm cách giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan đến Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia, Economic Times, IMF